Đại cương Bệnh_ghẻ_cóc

Bệnh ghẻ cóc là một căn bệnh mãn tính tái phát có thể kéo dài trong nhiều năm, bệnh không lây truyền qua đường tình dục và cũng không phải bệnh bẩm sinh. Bệnh ghẻ cóc có thể trở thành một bệnh mãn tính, tái phát bệnh sau 5-15 năm với tổn thương da, xương, khớp. Ở hầu hết bệnh nhân, khi bệnh ghẻ còn giới hạn ngoài da thì tổn thương tiêu hủy sớm xương khớp đã có thể xảy ra. Mặc dù các tổn thương có thể biến mất tự nhiên nhưng tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát và thành sẹo là những biến chứng thường gặp.[1]

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 75% bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi và nhiều nhất ở nhóm trẻ 6-10 tuổi. Thông thường, bệnh ghẻ cóc này không xuất hiện ở các trung tâm đô thị. Bệnh gia tăng theo mùa, có chu kỳ, đặc biệt là vào mùa mưa, khí hậu nóng, độ ẩm cao, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt, thiếu sự giám sát y tế... Ở Việt Nam, bệnh ghẻ cóc thường xuất hiện ở các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi.[1]

Trong môi trường tự nhiên, xoắn khuẩn Treponema pertenue có thể tồn tại ở nhiều môi trường đa dạng, phong phú khác nhau như là đất, nước, các vùng đầm lầy. Xoắn khuẩn này thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, đặc biệt hiện diện rất nhiều ở các sang thương ghẻ cóc thời kỳ 1 và 2. Đây là thời kỳ lây lan chính của bệnh ghẻ cóc.